Cách bảo quản trái cây tươi lâu bằng những mẹo đơn giản
1/ Lựa chọn trái cây khi mua:
Khâu này đặc biệt quan trọng nếu muốn bảo quản trái cây được lâu. Nếu chọn quả không đạt chất lượng thì dù kỹ thuật bảo quản có hoàn thiện đến đâu cũng không giữ được chất lượng trái cây thơm ngon trong thời gian dài. Với từng loại quả bạn phải có sự hiểu biết và kỹ thuật chọn riêng nhưng dựa trên nguyên tắc chung:
+ Quả phải tươi ngon, không xây xát và không sâu bệnh, có màu sáng tươi và không có vết thâm.
+ Trái còn nguyên cuống và cuống còn tươi, tránh mua cuống đã khô và héo vì trái đã được thu hoạch lâu rồi (chú ý nhất là đối với dưa hấu).
Cam, quýt: Không nên chọn trái có màu vàng tươi đã rụng cuống, có thể màu vàng tươi đó là“chín háp” do sâu hại, ong chích, cây bị suy kiệt… khiến trái rụng trong vườn. Nên chọn trái cam, quýt có màu vàng mỡ gà (chiếm ít nhất 1/3 trái), da bóng láng, có đốm thâm lộ ra, vỏ mỏng… Với cam sành không nên chọn trái lớn có da sầnsùi hay vàng chóe một bên (do nám nắng), trái cam như vậy vỏ dày, bị sượng khô, ít nước, và sẽ không ngọt.
Bưởi Da xanh: Nếu mua ăn trong gia đình nên chọn trái nặng trung bình 1-1,5 kg, da láng, màu xanh, vỏ bưởi hơi ngả vàng, trái nhỏ nhưng nặng. Không chọn trái có da nhăn nhúm, xanh đậm, nhẹ. Nếu mua trái để chưng, cần chọn trái còn cuống, tươi và nếu còn lá tươi trên cuống là tốt nhất.
Xoài: thường có hai loại xoài phổ biến với chất lượng ngon là xoài cát Hòa Lộc và cát Chu. Xoài cát Chu ngon không thua xoài cát Hòa Lộc, dạng trái giống nhau nhưng xoài cát Chu nhỏ hơn, màu da thâm không sáng như xoài cát Hòa Lộc. Xoài cát Hòa Lộc thường có giá cao nhất trong các loại xoài, trái nặng trung bình 300-350g, dáng trái thuôn, cuống nhỏ (nhỏ hơn các giống khác) hơi lõm sâu, phần đầu trái (chópnhọn) có khoảng lõm vào tựa “nhân trung”. Chọn trái có màu vàng sậm, có vết thâm li ti đều trên trái, da căng láng, phần đầu trái không bị teo hoặc nhăn (do hái trái chưa già), ngửi có mùi thơm.
Dứa, thơm: Chọn trái có 1/3 trái chuyển màu vàng, lành lặn, không bị dập, không có rệp sáp (màu trắng đóng lớp như phấn trắng trên trái).
2/ Xử lý trái cây mới mua về:
Rửa sạch trái cây dưới vòi nước chảy. Tốt nhất nên dùng vòi có tia nhỏ, mạnh phun thẳng vào quả khiến chất bẩn, nấm và vi khuẩn… nằm trên vỏ quả rơi ra.
Ngâm quả trong nước muối trong khoảng 5 phút (không ngâm lâu vì làm biến đổi chất trong quả).
Dùng vải mềm rửa sạch phần núm quả vì đây là nơi vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập vào quả gây hư hỏng và thối sớm.
Để trái cây vào rổ cho ráo nước hay dùng quạt mát làm khô quả thật nhanh trong vòng vài phút, tránh quạt lâu sẽ làm trái cây mất nước và héo.
Gói quả thật kín trong bao PE (loại dùng bảo quản thực phẩm) hay túi ni- lông thông thường và cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 15o C.
3/ Bảo quản trái cây:
Có thể dùng vôi bột bôi vào núm quả. Cách làm này ngăn được vi khuẩn xâm nhập nhưng chỉ kéo dài vài ngày, khi vôi bột khô sẽ hết tác dụng.
Quả chưng trên bàn thờ thắp hương thì không thể để được lâu vì nhang làm nhiệt độ môi trường tăng thúc quả mau chín hơn. Nếu thắp ít nhang trong khi chưng trái cây thì sẽ kéo dài được tuổi thọ của trái cây. Ngoài ra mỗi ngày nên kiểm tra để thay các quả đã chín quá hay quả có hiện tượng thối.
Một số người thường dùng nước ozone để rửa rau quả và yên tâm tuyệt đối là trái cây đã an toàn. Nhưng thực chất nước ozone có tác dụng phân hủy một số chất và cũng tác dụng với một số chất khác gây độc hơn. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn không biết rau quả được phun loại thuốc trừ sâu nào, có những chất độc nào. Vì thế, lời khuyên tốt nhất là nên dùng nước muối để ngâm rửa rau quả.
Không nên ��ể rau quả trong ngăn đá hoặc ở nhiệt độ quá lạnh (thấp hơn 14-150C), vì khi đưa ra nhiệt độ thường, quả sẽ nhanh chín, nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, nhiệt độ thấp cũng sẽ gây ra những tổn thương lạnh cho trái.
Mẹo giữ cho quả được tươi lâu
Đôi khi mua nhiều hoa quả về nhưng bạn lại chưa cần ăn đến hoặc ăn không hết, cần biết cách để bảo quản để chúng được tươi lâu.
Cam
- Chọn cam: Muốn cam tươi lâu, phải chọn quả còn cả cuống, có hình dáng đẹp, không sâu, bệnh, đủ độ chín tự nhiên.
- Bảo quản: Dùng dao hay kéo sắc cắt cuống quả dài 0,5cm, lấy vôi đã tôi chấm vào vết cắt. Cách làm này có tác dụng khử trùng, chống thối.
Bưởi
- Chọn bưởi: Cũng chọn tương tự như cam.
- Bảo quản: Có nhiều cách để bảo quản bưởi, trong đó có cách bảo quả giống quả cam. Ngoài ra, còn có các cách bảo quản như sau:
Bảo quản quả bưởi dùng để ăn dần: cách này đơn giản, chỉ cần làm giàn bằng tre hay gỗ nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau 25-30cm, xếp quả bưởi vào kín từng tầng, để giàn bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Cách này thường được dùng để bảo quản một số bưởi đặc sản ở một số vùng tới 3-4 tháng sau thu hoạch, tuy vỏ ngoài quả bưởi đã héo nhăn nheo nhưng lõi bưởi vẫn mọng nước, tép bưởi không nát, ăn ngọt đậm đà hơn lúc mới thu hoạch.
Mẹo giữ cho quả được tươi lâu - 1
Nên chọn những quả bưởi còn nguyên cuống để bảo quản (Ảnh minh họa)
Bảo quản quả bưởi làm đồ thờ, tế lễ: Yêu cầu quả bưởi phải giữ được đẹp. Nếu bảo quản lượng quả ít dùng thùng cát tông hay thùng phuy 200lít, cho một lớp cát khô, nhỏ dày 10-15cm, xếp 1 lớp quả bưởi lên trên, cứ một lớp cát dày 5-7cm lại xếp một lớp bưởi cho đến khi đầy thùng, lớp cát trên cùng dày 20cm.
Nếu bảo quản lượng quả bưởi nhiều nên kè gạch ở một góc nhà hay gian nhà nơi khô ráo, sau đó cho 1 lớp cát lại xếp 1 lớp quả bưởi, các bước làm như giới thiệu ở phần trên. Cách này quả bưởi có thể giữ tươi lâu được 1,5-2 tháng sau thu hoạch.
Dưa hấu
- Chọn dưa: Muốn giữ được dưa tươi lâu thì ngay từ đầu, khâu chọn dưa lúc bạn đi mua cũng vô cùng quan trọng. Bạn phải chọn loại dưa vỏ cứng, mới chín, bỏ cuống ở núm.
- Bảo quản dưa: Nếu bạn mua nhiều, thì cứ mỗi một quả bỏ vào một túi nilon rồi buộc chặt. Sau đó chuyển tất cả dưa vào chỗ râm mát, không cho ánh nắng chiếu vào. Luôn giữ dưa ở nhiệt độ thấp và trạng thái thiếu ôxi.
Lưu ý, bạn phải lót rơm xuống nền trước khi đặt dưa, và thường xuyên kiểm tra trong quá trình bảo quản, nếu thấy quả nào có hiện tượng xấu phải loại bỏ ngay tránh lây lan. Với cách này có thể giữ dưa tươi trong 35 đến 40 ngày.
Ngoài ra, nếu bạn chỉ muốn bảo quản dưa hấu trong thời gian ngắn hơn, khoảng một tuần, bạn cũng có thể đặt dưa hấu trên bàn. Và một ngày trước khi muốn ăn dưa, bạn nên cho dưa vào tủ lạnh. Tránh lưu trữ dưa hấu gần loại quả khác, vì dưa hấu là một loại trái cây có thể dễ bị hư hỏng do ethylene và khí đốt tự nhiên từ những loại quả này bay sang.
Bơ
Dùng báo bọc quả bơ lại để làm chậm quá trình phân hủy của nó, như vậy quả bơ sẽ tươi lâu hơn.
Mẹo giữ cho quả được tươi lâu - 2
Dùng báo bọc quả bơ lại để bơ được tươi lâu (Ảnh minh họa)
Chuối tiêu
Chuối tiêu bạn có thể bảo quản cả ở bên ngoài lẫn trong ngăn mát tủ lạnh.
Bảo quản bên ngoài: Bạn có thể làm một cái giá treo và treo chuối trên giá, móc hoặc để chúng vào đĩa đựng trái cây, nơi không khí có thể lưu thông tốt. Lưu ý những chỗ để chuối tránh ánh sáng mặt trời nếu không chuối sẽ nhanh héo, nẫu.
Cho chuối vào tủ lạnh: Chuối có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 4 ngày mà vẫn tươi ngon. Bạn lưu ý làm theo cách sau:
- Cho chúng vào túi nhựa có khóa kéo (loại chuyên dùng để bảo quản thực phẩm, trái cây trong tủ lạnh, có bán ở các siêu thị).
- Cho túi đựng chuối vào ngăn mát của tủ lạnh.
- Điều chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh ở mức khoảng 3oC.
Cà chua
- Chọn cà chua: Khi mua cà chua, phải lựa những quả cà mới chín, đẹp, da căng bóng, sờ không bị mềm, nhũn hay chảy nước. Quan sát thấy cuống cà chua vẫn còn tươi mới, và chắc. Nếu đụng vào cuống đã rụng là cà chua hái đã lâu ngày, không nên mua về bảo quản.
- Bảo quản trong tủ lạnh: Cà chua, đặc biệt là cà chua chín cần được lưu giữ trong thùng kín và để trong tủ lạnh. Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm sự tiến triển của màu sắc, hương vị và hạn chế sự tiêu hủy chất dinh dưỡng của cà chua.
Mẹo giữ cho quả được tươi lâu - 3
Chọn cà chua để bảo quản phải là cà mới chín (Ảnh minh họa)
Lưu ý, bạn cần tránh để cà chua chín gần các loại rau khác, vì cũng giống với dưa hấu, cà chua rất nhạy cảm với khí ethylene từ các loại rau hay củ quả khác thoát ra.
- Bảo quản trong hầm kín: Cách bảo quản này chỉ phù hợp với những gia đình có hầm chứa thực phẩm. Cà chua mua về, đem ngâm vào dung dịch nước rửa rau quả rồi rửa sạch lại bằng nước. Tiếp theo, xếp cà chua vào túi bóng, thùng gỗ… rồi cho vào bảo quản trong hầm. Nhiệt độ cần duy trì khoảng 12oC. Sau 45 ngày cà chua vẫn tươi.
Nho
- Chọn nho: Nếu bạn muốn mua nhiều nho và đem về bảo quản ăn dần thì trước tiên phải chọn loại chín vừa, không được chín quá. Nho chín tuy rất ngon nhưng không thể giữ ở nhà tươi lâu được.
- Bảo quản: chuẩn bị một hộp bìa cứng, lót 2 đến 3 lớp giấy rồi đặt nho nằm ngang, không xếp chồng lên nhau và đem hộp nho cất vào chỗ râm mát bảo quản ở 0 độ c, cách này có thể bảo quản nho 1 đến 2 tháng.
Lưu ý, không đem nho đi rửa qua nước trước khi cho vào tủ để bảo quản nhé.
Dưa chuột
- Chọn dưa chuột: Cần chọn những quả dưa mới hái, cuống còn tươi nguyên, nhựa còn chưa ráo hết thì bảo quản mới được lâu.
- Bảo quản dưa: Lấy một cái bát to rồi cho nước vào. Cắm phần cuống quả dưa xuống nước ngập độ 1/3 quả dưa. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần nhé.
Nói chung, có khá nhiều cách để bạn bảo quản các loại quả khi mua về. Bạn có thể lựa chọn cách nào đó tiện lợi, phù hợp với điều kiện của mình nhất nhé.
Cách bảo quản trái cây tươi lâu mà không dùng hoá chất
Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2).
Quả cũng "hô hấp"
ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, có nhiều hoá chất đang được dùng để bảo quản trái cây. Phổ biến nhất hiện nay là đất đèn và chất chống nấm dùng trong xây dựng. Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây. Đây là một hoá chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước. Ngoài ra, còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá, giúp cho trái cây tươi lâu. Với loại trái cây này thì biện pháp để đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, khi đã hái khỏi cành trái cây sẽ bị vi sinh vật xâm nhập theo núm, đẩy quá trình thối rữa diễn ra nhanh hơn. Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn.
Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen...). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị qui định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 13 độ C, chôm chôm 12 độ C, mãng cầu 13 độ C, dưa hấu 10 độ C... Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1 - 3% trong thời gian 1 - 3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây. Đó là những cách bảo quản an toàn, dễ áp dụng.
Bảo quản bằng cát, lá bèo, tỏi
ThS Phan Thanh Tâm, Bộ môn Công nghệ Thực phẩm sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, người ta còn có thể bảo quản bưởi bằng cách bôi vôi vào chỗ đầu cuống của quả bưởi, hoặc vùi cam, bưởi xuống cát cũng có thể bảo quản được tươi trong vài tháng. Bảo quản lạnh từ lâu cũng được coi là một trong các phương pháp bảo quản an toàn cho quả. Khi đó cần phải có bao bì đặc dụng cho từng loại quả khác nhau, đảm bảo trong quá trình đó quả vẫn được hô hấp trao đổi không khí. Hoặc có thể sục khí ozon để diệt hết vi khuẩn có trên vỏ quả, hạn chế quá trình thối rữa...
Theo các chuyên gia, sử dụng các phương pháp dân gian an toàn hơn cho sức khoẻ người sử dụng. Nông dân vùng trồng vú sữa Châu Thành (Tiền Giang) đã sáng kiến ra dùng lá lục bình tươi để làm mát trái vú sữa, vừa giữ được độ ẩm và giúp trái không bị giập, trầy xước, bảo quản được khi vận chuyển đi xa. Dùng lá lục bình tươi gói từng quả vú sữa lại rồi chất chồng lên cho vào thùng xốp (loại thùng ướp nước đá). Cách làm như vậy có thể vận chuyển từ 10 - 14 ngày quả vẫn tươi xanh, trong khi vú sữa không sử dụng lá lục bình chỉ có thể để được 3 - 4 ngày.
Tỏi là một loại củ giúp người nông dân giữ cho quả bưởi tươi lâu. Sau khi thu hoạch có thể giữ cho quả bưởi tươi (màu, lá trên cuống, chậm rụng cuống...) trong khoảng 2 tháng bằng cách dùng tỏi tươi nghiền nhuyễn hòa với nước, phun xịt lên trái bưởi cho ướt đều. Để bảo quản giống xoài cát Hòa Lộc, các nhà khoa học đã xử lý chần nước nóng để ngăn bệnh thán thư và ruồi đục quả. Sau đó, trái được nhúng vào dung dịch Chitosan (vỏ tôm), tạo nên một lớp màng bao phủ mỏng có tác dụng chống mất ẩm, giảm hao hụt trọng lượng và kéo dài thời gian tồn trữ. Quá trình này có thể bảo quản xoài trong 4 - 6 tuần
Chuyên đề: Bảo quản trái cây sau thu hoạch
Hiện nay, ở nước ta chỉ có một số doanh nghiệp lớn và các siêu thị có phương thức tồn trữ trái cây ở nhiệt độ lạnh. Còn lại, đa số các vựa thu mua trái cây cũng như nông dân đều thu hoạch và bán trái cây theo tập quán, không có qui trình bảo quản sau thu hoạch. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Thời gian gần đây vấn đề này được các nhà vườn rất quan tâm và đặc biệt các công trình nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch cũng đang cho những kết quả khả quan…
Qui trình nghiên cứu bảo quản xoài được Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nghiệm thu đầu năm 2007. Nông trường Sông Hậu – nơi nghiên cứu hiện có 150.000 cây xoài cát Hòa Lộc, trung bình, mỗi hộ có 80-100 cây. Với sản lượng hàng năm lên đến cả hàng nghìn tấn xoài sản phẩm… Để hướng tới qui trình thu hoạch và bảo quản xoài có qui mô của một phân xưởng phân loại, đóng gói, bảo quản trái cây tươi chính qui, Nông trường đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học và Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cùng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam nghiên cứu thành công qui trình bảo quản xoài sau thu hoạch bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng tốt, giúp kéo dài thời gian tồn trữ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nếu tiêu thụ trong nước, sau khi thu hoạch, xoài được phân loại, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng. Nếu xuất khẩu, thì sau khi phân loại, sẽ tiến hành các bước xử lý, tồn trữ (để vận chuyển xa), làm chín, đóng gói, rồi mới vận chuyển và phân phối đến nơi tiêu thụ”. Xoài Cát Hòa Lộc có vỏ mỏng nên khó bảo quản lâu và vận chuyển xa, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Tiến sĩ Toàn cùng các cộng sự đã nghiên cứu khắc phục hạn chế trên bằng cách xử lý chần nước nóng để ngăn bệnh thán thư và ruồi đục trái. Biện pháp này giúp đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật cho cây ăn trái. Sau đó, trái được nhúng vào dung dịch Chitosan, tạo nên một lớp màng bao phủ mỏng có tác dụng chống mất ẩm, giảm hao hụt trọng lượng và kéo dài thời gian tồn trữ. Qua các thí nghiệm, xoài được tồn trữ tốt nhất là ở nhiệt độ lạnh từ 10-12oC. Kết luận: “Qua quá trình xử lý và tồn trữ, trái xoài được bảo quản tốt nhất trong 4 tuần, thậm chí có khả năng kéo dài 6 tuần, có thể vận chuyển và phân phối đi xa”.
Năm 2006, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và các cộng sự tiến hành nghiên cứu qui trình bảo quản sau thu hoạch các loại trái cây: quýt đường, bưởi Năm Roi, cam sành, cam mật và cam xoàn. Đây là đề tài nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang. Dự kiến, đề tài sẽ được nghiệm thu vào năm 2009. Theo đó việc nghiên cứu theo hướng sản xuất trái cây sạch nên thực hiện phương pháp phòng trừ sinh học trước và sau thu hoạch. Các hóa chất độc hại được hạn chế sử dụng, thay vào đó sử dụng các chất không độc hại như: dùng nấm đối kháng để trị bệnh, vôi, dung dịch Chlorine (là chất thường được dùng trong xử lý nước sinh hoạt)... Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu xong qui trình bảo quản sau thu hoạch trái quýt đường; đang tiếp tục nghiên cứu qui trình bảo quản các loại trái cây khác”.
Qua nhiều nghiên cứu các nhà khoa học đã đưa ra qui trình bảo quản trái quýt đường với thời gian tồn trữ đến 8 tuần. Đó là bảo quản trái bằng cách bao màng Chitosan ở nồng độ 0,25% kết hợp với bao Polyethylene (PE) đục 5 lỗ với đường kính mỗi lỗ 1 mm và ghép mí lại bằng máy ép. Sau đó, bảo quản ở nhiệt độ 120C. Với phương pháp này, phẩm chất bên trong trái như: hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C... luôn ổn định, tỷ lệ hao hụt trọng lượng thấp, màu sắc vỏ trái đồng đều và đẹp. Ngoài trái quýt đường, các nhà khoa học cũng nghiên cứu thêm qui trình bảo quản trái quýt hồng (quýt Tiều) bằng cách bảo quản trong bao PE (nhưng chỉ đục 3 lỗ, mỗi lỗ 1 mm) và bảo quản ở nhiệt độ lạnh (150C). Qui trình này cho phép thời gian tồn trữ kéo dài đến 9 tuần.
Được biết: “Sử dụng bao PE bao trái nhằm hạn chế sự bốc hơi nước, làm giảm bớt cường độ hô hấp và sinh tổng hợp ethylene... giúp kéo dài thời gian tồn trữ trái. Bao trái bằng bao PE đã được sử dụng khá phổ biến trên nhiều loại trái cây khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới và đạt kết quả tốt. Bảo quản trái cây trong nhiệt độ thấp làm cho trái chín chậm hơn, dưỡng chất trong trái được duy trì lâu hơn, hạn chế các loại nấm bệnh phát triển, vỏ trái ít bị nhăn nheo... Tuy nhiên, mỗi loại trái cây có thể chịu đựng những ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu để tìm ra ngưỡng nhiệt độ tốt nhất cho từng loại trái cây là rất cần thiết”.
Ngoài ra, Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo quản tươi, kéo dài thời gian tồn trữ trái cam sành, quýt đường và bưởi Năm Roi tại Cần Thơ”. Đề tài thực hiện nhiều biện pháp để bảo quản trái cây như: bảo quản ở nhiệt độ lạnh, sử dụng chất trích thảo mộc để phòng trừ nấm bệnh hại, sử dụng bao PE, bao màng Chitosan… Dự kiến, cuối năm 2007, đề tài sẽ được nghiệm thu.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, những nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch có thể ứng dụng rộng rãi trong các siêu thị vì nơi đây có phòng lạnh và các điều kiện cần thiết để bảo quản trái cây lâu dài. Ngoài ra, khi trái cây Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu thì việc bảo quản trái sau thu hoạch để kéo dài thời gian tồn trữ trong quá trình vận chuyển là một yêu cầu bắt buộc. Do đó, những công trình nghiên cứu về bảo quản trái cây sau thu hoạch hiện nay là rất cần thiết, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm cho trái cây trên thị trường trong và ngoài nước.
Giới thiệu công nghệ bảo quản rau quả, trái cây tươi bằng chế phẩm sinh học từ Chitosan, không độc hại
Phân loại SPC:Chế biến và bảo quản rau quả
Lĩnh vực áp dụng:Công nghệ thực phẩm
Mô tả tóm tắt công nghệ thiết bị
Từ nguyên liệu chitosan đã chế tạo ra chế phẩm sinh học để tạo màng trên trái cây, rau quả. Đã có công nghệ bảo quản trái cây tươi từ khâu thu hái đến khi bán sản phẩm ra ngoài thị trường.
CN/TB được áp dụng:
- Bảo quản trái cây tươi - Bảo quản rau tươi - Bảo quản hoa tươi - Bảo quản thực phẩm tươi sống (cá, thịt, trứng ...).
Công suất / năng xuất :Tùy theo qui mô sản xuất của khách hàng yêu cầu.
Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác
Tạo màng sinh học không độc hại, dùng an toàn cho người, giữ ẩm cho trái cây, rau quả tươi lâu, hạn chế hô hấp trên vỏ nên trái cây lâu chín, lâu bị khô nhăn, chống nấm mốc
Ưu điểm của CN/TB
- Tương đối đơn giản, đầu tư không nhiều.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thích hợp cho việc sản xuất công nghiệp.
Vấn đề bảo quản trái cây xuất khẩu
Sản phẩm trái cây của nước ta, đặc biệt trái cây của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có nhiều lợi thế về chủng loại, sản lượng và chất lượng của trái cây miền nhiệt đới nhưng việc bảo quản để xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU… chưa ngang tầm với sản lượng thu hoạch hàng năm.
Có nhiều nguyên nhân trong vấn đề này, trong đó việc bảo quản chưa được đầu tư về công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản một cách tương xứng với doanh nghiệp có thương hiệu trái cây xuất khẩu.
Tại thị trường trong nước từ nhiều năm nay giá bán trái cây vào thời điểm thu hoạch rộ thường bấp bênh, do sản phẩm cùng chủng loại nhiều vào thời điểm thu hoạch, bình quân khoảng 2 tháng/vụ, làm cho việc điều tiết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm trái cây được tiêu thụ ở dạng tươi là chủ yếu ở tại địa phương và trong nước, nên thường gây ứ đọng, sản phẩm thường bị hư hỏng. Trong thực tế sản phẩm trái cây thường được thu hoạch thậm chí khi chưa đến thời điểm thu hoạch, đa số trái cây thường không qua khâu kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…Trong đó chỉ một số lượng trái tươi đủ tiêu chuẩn phẩm cấp được phân loại bảo quả ở kho lạnh có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho từng loại trái. Đáng chú ý, hiện do nước ta có rất ít các kho bảo quản nên chí phí bảo quản trong các khâu thu hái, bao gói và vận chuyển lạnh để xuất khẩu rất cao. Đây cũng là nguyên nhân hạn chế việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về bảo quản sản phẩm ở các trung tâm phát triển cây ăn quả trong cả nước.
Vừa qua tại Hội thảo chương trình Quốc Gia về phát triển sản xuất và xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam do Bộ Thương Mại tổ chức nhiều đại biểu các tỉnh và doanh nghiệp cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Theo đó các doanh nghiệp cho rằng: cần tiến hành xây dựng các kho bảo quản lạnh ngay tại vùng nguyên liệu và tại các cửa khẩu, bến cảng để đảm bảo chất lượng tốt nhất trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn để đảm bảo thực hiện mục tiêu nói trên.
Liên hệ mua hàng tại cửa hàng trái cây tươi an toàn:
traicayantoan.vn
Địa chỉ: 100 TRƯƠNG VĨNH KÝ, P TÂN THÀNH, Q. TÂN PHÚ, TP. HCM
Hotline: 0935 547 153
Email: kimvy80@gmail.com